Thời gian tới, Công ty Ðiện tử Hà Nội (HANEL) sẽ đưa ra thị trường một loạt sản phẩm mới công nghệ cao. Ðây là kết quả của một đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước: "Nghiên cứu phát triển công nghệ truyền thông đại chúng số hóa" mang mã số KC.01-04, do tập thể cán bộ kỹ thuật của HANEL thực hiện.
Loại hình truyền thông cổ điển analog đang được sử dụng rộng rãi. Tuy vậy, do công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh, loại hình truyền thông cổ điển ngày càng tỏ ra không đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Loại hình truyền thông mới: Truyền thông số hóa đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của con người trong cuộc sống hiện đại. Với những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm băng tần số, chất lượng hình ảnh và âm thanh cao, ít phụ thuộc điều kiện thu sóng, hay khả năng tương tác mạnh,... truyền thông số hóa đã và sẽ là loại hình được ứng dụng trong phát thanh và truyền hình.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành có liên quan đã có những định hướng cho việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị truyền thông số hóa nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện tử trong nước, tạo cơ sở đổi mới công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước với hàng triệu thiết bị kỹ thuật số trong tương lai. Ðề tài KC.01-04 "Nghiên cứu phát triển công nghệ truyền thông đại chúng số hóa" hình thành trong bối cảnh đó. Cơ quan chủ trì đề tài là Công ty Ðiện tử Hà Nội (HANEL). Kỹ sư Ðinh Ngọc Hưng, chủ nhiệm đề tài, cho chúng tôi biết những khó khăn khi triển khai nghiên cứu: Công nghệ truyền thông số hóa là công nghệ mới, có lịch sử phát triển rất ngắn, khoảng từ bảy đến tám năm trở lại đây. Do vốn đầu tư lớn, cho nên không dễ có đủ điều kiện cho nghiên cứu phát triển sản phẩm. Công nghệ truyền thông số hóa hàm chứa trong đó rất nhiều kỹ thuật phức tạp: Công nghệ thu kỹ thuật số; công nghệ bảo vệ nội dung; công nghệ tương tác; công nghệ internet... do vậy, cần cán bộ nghiên cứu trình độ cao. Ðây là một trong khó khăn lớn của tập thể những người tham gia đề tài. Công nghệ chế tạo thiết bị thu truyền thông số gắn bó mật thiết với mạng truyền thông số hóa, cho nên cần thiết phải có mạng truyền thông có cấu hình hoàn chỉnh để hỗ trợ, ở nước ta hiện nay chưa có mạng như vậy. Trong điều kiện đó, tập thể những người tham gia đề tài đã dành nhiều thời gian (hơn một năm) để tìm kiếm, thiết lập mối quan hệ với 17 đối tác thuộc nhiều nước trong việc cung cấp phần mềm và phần cứng, cũng như để xây dựng dần cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và sản xuất.
Thực tế cho thấy, các mối quan hệ mà đề tài xây dựng được có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đóng góp vào kết quả của đề tài, mà còn mở hướng hợp tác sản xuất sản phẩm sau này. Việc xây dựng nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn do thiếu người có kinh nghiệm. Kỹ sư Ðinh Ngọc Hưng, chủ nhiệm đề tài cùng tập thể những người tham gia đã hoàn thành tốt việc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thiết bị truyền thông số hóa trong 30 tháng với nguồn kinh phí 7,5 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách khoa học 2,358 tỷ đồng). Nếu mua lại công nghệ nói trên phải mất hàng triệu USD. Sản phẩm của đề tài bao gồm các thiết bị thu kỹ thuật số dùng cho máy thu hình số mặt đất STB-T, máy thu hình số vệ tinh STB-S, máy thu hình số cáp STB-C, TV kết hợp với iDTV. Thông qua việc thực hiện đề tài nói trên, Công ty HANELđã đào tạo gần 20 kỹ sư tham gia thiết kế hệ thống, thiết kế phần cứng, phần mềm, phát triển phần cứng, phần mềm cho các thiết bị truyền thông đại chúng số hóa; xây dựng một trung tâm chế tạo các thiết bị số. “Muốn bảo đảm chất lượng sản phẩm khi sản xuất đại trà, theo chúng tôi, một trong khó khăn lớn nhất mà HANEL gặp phải, đó là thực hiện tốt quy trình và phương pháp đo lường, giám định chất lượng sản phẩm. Bao gồm các phần việc: đo lường cao tần độ nhạy, độ chọn lọc, các thông số, như khả năng chống nhiễu, phân tích chất lượng hình ảnh, âm thanh... Ðiều đó đòi hỏi công ty tiếp tục có sự đầu tư lớn về vật tư thiết bị cũng như đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ cao”, kỹ sư Hưng cho biết.
Giám đốc HANEL Trịnh Minh Châu cho rằng, ngoài sự cố gắng của công ty, nếu không có sự định hướng nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự động viên, giúp đỡ trực tiếp của GS Vũ Ðình Cự và nhiều nhà khoa học khác, công ty không thể thực hiện thành công một đề tài như vậy. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, với đội ngũ kỹ sư trưởng thành trong quá trình tham gia đề tài và khả năng hiện có, thời gian tới,HANEL sẽ đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm kỹ thuật số cao cấp với giá thành rẻ hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu của nước ngoài. Ngày 14-11, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn, đánh giá kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài KC.01-04, do GS Vũ Ðình Cự làm Chủ tịch Hội đồng. Ðề tài được nghiệm thu theo quy định mới không đánh giá loại trung bình, khá, giỏi, xuất sắc như trước mà đánh giá đạt hay không đạt. Ðề tài được đánh giá đạt có ba mức: Mức A (từ 35 đến dưới 40 điểm), mức B (từ 27 đến dưới 35 điểm), mức C (từ 20 đến dưới 27 điểm). Ðây là đề tài đầu tiên thực hiện quy chế nghiệm thu mới, một quy chế khuyến khích các đề tài nghiên cứu có sản phẩm được ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ðề tài "Nghiên cứu phát triển công nghệ truyền thông đại chúng hóa" đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt mức B với số điểm 33,6 điểm (do chưa làm xong thủ tục đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, cho nên đề tài không được cộng thêm bốn điểm, do vậy không đạt mức A). Ðánh giá kết quả đề tài, nhiều thành viên trong Hội đồng nghiệm thu nhận định: Việc công ty tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất được các thiết bị truyền thông số hóa mở ra một hướng phát triển mới không chỉ cho công ty, mà cả ngành điện tử.
Theo Nhân dân
|